🌺 I. KALI LÀ GÌ? Kali là một trong 3 nguyên tố đa lượng thiết yếu nhất đối với cây trồng. Phân kali được ký hiệu là K, hàm lượng kali nguyên chất trong phân, được tính dưới dạng K2O và được ghi trên bao bì sản phẩm là % K2O. Phân kali phần lớn là các muối kali (KCL, K2SO4, KNO3, K2O, K2CO3, KHCO3 …) dùng làm phân bón cho cây trồng.
Ánh sáng kích thích sự hút kali của cây. Ban ngày cây hút kali mạnh và vận chuyển lên các bộ phận trên của cây, buổi tối ánh sáng yếu kali không được cây hút lên mà một phần kali còn được vận chuyển ngược xuống rễ cây và thoát ra ngoài. Hầu hết kali trong cây tồn tại dạng ion K+ kết hợp với các axit hữu cơ tạo nên các muối hòa tan, dễ dàng rút ra bằng nước.
🌺 II. TÁC DỤNG CỦA KALI
– Kali giúp tổng hợp đường bột, xellulo, hoa tăng màu sắc tươi bóng hơn. Bên cạnh đó Kali rất quan trọng đối với cây trồng trong giai đoạn ra trái, giúp trái lớn hơn, hàm lượng đường tăng, màu sắc tươi hơn. – Kali làm cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng cường khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu bệnh. – Thời tiết khô hạn, cây thiếu nước, bón Kali giúp giảm quá trình thoát hơi nước của cây qua bề mặt lá qua cơ chế đóng lỗ khí, giúp cây tránh rơi vào tình trạng kiệt nước. – Kali có vai trò chủ yếu trong việc chuyển hoá năng lượng trong quá trình đồng hoá các chất trong cây, tăng cường vận chuyển dinh dưỡng. Kali giúp tăng cường quá trình quang hợp, hoạt hóa enzyme, hoạt hóa hoạt động của khí khổng, tổng hợp protein, đẩy nhanh quá trình vận chuyển hydrat carbon tổng hợp được từ lá sang các bộ phận khác.
🌺 III. TÁC HẠI KHI THIẾU KALI
– Lá hẹp, ngắn, xuất hiện các chấm đỏ, lá dễ héo rũ và khô, mép lá nhạt dần và có gợn sóng. – Cây mềm yếu, yểu lả, dễ bị lụi, gãy đổ, dễ bị sâu bệnh tấn công. – Cây sẽ chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu sắc không tươi và dễ bị dập nát. (hoa kém sắc, củ quả kém ngọt) – Thiếu Kali sẽ giảm khả năng chống chịu của cây với điều kiện bất thuận (hạn, rét) cũng như tính kháng sâu bệnh.
🌺 IV. TÁC HẠI KHI THỪA KALI – Thừa Kali sẽ tác động xấu lên rễ cây làm cây teo rễ. – Thân, lá không mỡ màng, lá nhỏ. – Thừa Kali dễ dẫn đến thiếu Magiê và Canxi.
🌺 V. CÁC LOẠI PHÂN BÓN KALI
– KCl: hay gọi là Kali đỏ, tuy nhiên thực tế mỏ Kali Clorua còn có dạng màu trắng, ví dụ nguồn Kali ở Lào, Canada,.. KCl là loại duy nhất có thể được khai thác từ mỏ trong các loại phân bón Kali… Đây cũng là loại phân bón Kali ưa dùng nhất của nông dân vì giá thành rẻ. Trong thành phần KCl có chứa 50% K và 46% Cl. Điều đáng lưu ý ở đây là Cl không phải là nguyên tố dinh dưỡng có ích cho cây, ngược lại bón phân bón có chứa Cl trong thời gian dài làm đất bị mặn, ảnh hưởng nhanh nhất ở các vùng đất cát.
Nếu đất, giá thể mặn (nhiều muối) thì cây trồng không thể hấp thụ được dinh dưỡng, lâu dần giảm năng suất và khi đất nhiễm mặn quá cao, các bạn không thể trồng được bất kỳ cây gì nữa. Ở một số nước có nền nông nghiệp phát triển, như Tây Ban Nha, Hà Lan,… nông dân gần như không bao giờ sử dụng KCl để bón cho cây. Nên đừng ham rẻ mà lợi bất cập hại nhé.
– KNO3 hay còn lại là Kali Nitrate, ngoài thành phần 38% Kali, trong KNO3 còn có 13% N (đạm), đạm là nguyên tố đa lượng, có vai trò quan trọng trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng của cây nên phù hợp sử dụng trên một số rau ăn lá hoặc giai đoạn đầu của cây ăn quả. Tuy nhiên trong thời kỳ cây ra hoa và kết quả, cây chuyển sang giai đoạn sinh trưởng sinh thực nên cây ít có nhu cầu đạm. Vì thế, khi bón KNO3 trong giai đoạn này lại kích thích quá trình sinh trưởng sinh dưỡng (đâm chồi, nuôi lá, thân, cành,…) và kiềm hãm sự phát triển hoa và quả, làm giảm năng suất.
– K2SO4: Nhìn thấy những bất lợi và tác hại của KCl đối với cây trồng, các nhà khoa học đã tìm cách tách chiết gốc Cl- và thay thế bằng gốc SO42- và tạo thành phân bón K2SO4. Ngoài thành phần là 41% K, K2SO4 còn có chứa 18% S là một nguyên tố trung lượng, đóng vai trò trong quá trình định hình chất diệp lục và là thành phần của protein của cây trồng. Đây là loại phân bón Kali được xem là hiệu quả nhất để tăng năng suất cho cây so với các loại phân bón khác. Lượng Cl luôn được kiểm soát tối thiểu, không gây hại cho đất và cây trồng. Nếu so sánh với KNO3, K2SO4 sử dụng hiệu quả hơn về mặt chi phí (giá thành thấp hơn KNO3 từ 10.000 – 20.000đ/kg) và mang lại hiệu quả cao hơn trong giai đoạn cây trồng ra hoa và tạo quả.
– MKP: có chứa 28 – 29% Kali và 22.7% Phospho (lân), sử dụng rất tốt trong giai đoạn trước khi ra hoa đến khi tạo quả vì lân thúc đẩy sự hình thành hoa. Tuy nhiên, giá thành cũng khá cao giống như phân bón KNO3.
– Phân bón NPK: Không khuyến khích sử dụng phân bón này vì thành phần Kali trong phân bón NPK thường được sản xuất từ 2 nguồn: KCl và K2SO4. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào biết nhà sản xuất đã sử dụng nguồn Kali nào để phối trộn và họ cũng không bao giờ đề cập trên nhãn mác hay bao bì, và phần lớn nhà sản xuất thường sử dụng nguồn KCl để tiết giảm chi phí, giá thành. Tuy nhiên, tác hại của Clo đã giải thích ở phía trên.
– Kali từ tro: Tro cây quýt có đến 30% K2O, đay 31%, rơm rạ 2-4%K2O. Kali trong tro dễ tan có tính kiềm và có lợi cho đất chua. Hàm lượng. lân, magiê và vi lượng trong tro cũng khá. Tro rơm rạ lúa, lượng silic rất cao cho nên tro cũng còn có thể xem là loại phân silic, phân lân, phân magiê và phân vi lượng
P/s: Tiện chú thích thêm: – Các nguyên tố đa lượng gồm: N, P, K (Nitơ, Phospho, Kali). – Các nguyên tố trung lượng gồm: Ca, Mg, S (Canxi, Magie, Lưu Huỳnh). – Các nguyên tố vi lượng gồm: B, Cl, Cu, Fe, Mn, Mo, Zn (Bo, Clo, Đồng, Sắt, Mangan, Molipden, Kẽm).
Đạm (N) tính bằng % Nitơ (N) nguyên chất. Lân (P) tính bằng % oxyt phospho (P2O5). Kali tính bằng % oxyt kali (K2O). Lưu Huỳnh tính bằng % lưu huỳnh nguyên chất (S), Canxi tính bằng % oxyt canxi (CaO), Magie tính bằng % oxyt magie (MgO).