Cây giống rất cần dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Dinh dưỡng và các thành phần trong đất có tác động tới quá trình sinh trưởng ra hoa tạo quả của cây. Dinh dưỡng trong đất bao gồm nhiều thành phần. Mỗi loại lại có vai trò và tác dụng tới từng giai đoạn cây trồng
Sự cần thiết của các nguyên tố trong dinh dưỡng cây trồng
Một nguyên tố khoáng được xem là cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng khi nguyên tố đó liên quan đến các chức năng trao đổi chất trong cây trồng, và cây trồng không thể hoàn tất chu kỳ sống nếu thiếu hụt một chất dinh dưỡng nào đó, và sự thiếu hụt này có thể điều chỉnh hay ngăn chặn bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng đó cho cây.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng các triệu chứng thiếu dinh dưỡng có thể còn do nhiều yếu tố khác gây ra, vì vậy trong công việc chuẩn đoán cần lưu ý tất cả các hiện tượng thiếu dinh dưỡng của cây trồng. Các thuật ngữ sau đây được sử dụng phổ biến để diễn tả các mức độ chất dinh dưỡng trong cây trồng.
Mối quan hệ giữa hàm lượng của các nguyên tố tối cần thiết đối với sự phát triển hay năng suất của cây
Thiếu dinh dưỡng: khi nồng độ của một nguyên tố trong cây thấp, làm giảm năng suất nghiêm trọng và các triệu chứng này biểu hiện ra ngoài một cách rõ ràng. Sự thiếu hụt nghiêm trọng có thể làm cây bị chết. Nhưng với mức độ thiếu hụt trung bình hay nhẹ, các triệu chứng có thể không biểu hiện ra ngoài nhưng năng suất bị giảm.
Nồng độ tới hạn (nồng độ ngưỡng): khi nồng độ chất dinh dưỡng trong cây thấp hơn mức độ này, nếu được bón phân sẽ làm tăng năng suất. mức độ tới hạn khác nhau giữa các loại cây trồng và giữa các chất dinh dưỡng nhưng mức độ tới hạn này đều nằm trong khoảng trung gian giữa mức độ thiếu và đủ của chất dinh dưỡng đó.
Đầy đủ dinh dưỡng: là mức độ chất dinh dưỡng trong cây thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng của cây, với mức độ này, nếu bón thêm phân vào sẽ không làm tăng thêm năng suất nhưng có thể làm tăng nồng độ chất dinh dưỡng đó trong cây. Thuật ngữ tiêu thụ xa xỉ thường được dùng để miêu tả sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng nhưng sự hấp thu này không ảnh hưởng đến năng suất.
Mức độ thừa hay gây độc: là nồng độ các nguyên tố cần thiết hay bất cứ một nguyên tố nào đó cao đủ để làm giảm sự sinh trưởng và năng suất của cây trồng. Nồng độ dinh dưỡng thừa có thể gây ra sự mất cân bằng giữa các chất dinh dưỡng cần thiết khác, sự mất cân bằng này có thể gây giảm năng suất.
Năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bị thiếu chất dinh dưỡng và khi điều chỉnh sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này sự sinh trưởng của cây trồng tăng nhanh hơn nhiều so với sự gia tăng nồng độ chất dinh dưỡng trong cây. Trong trường hợp bị thiếu nghiêm trọng, nếu được bón phân thì năng suất có thể tăng nhanh, nhưng nồng độ chất dinh dưỡng đó trong cây có thể bị giảm.
Hiện tượng này được gọi là “ hiệu ứng Steenberg” và là hậu quả của sự pha loãng nồng độ chất dinh dưỡng trong cây do sự sinh trưởng của cây trồng quá nhanh so với hàm lượng chất dinh dưỡng cây hấp thu. Khi nồng độ đạt đến mức độ tới hạn, năng suất cây trồng thường đạt tối đa. Nồng độ chất dinh dưỡng đủ thỏa mãn nhu cầu của cây thường nằm một khoảng biên độ rộng, nếu nồng độ dinh dưỡng nằm trong khoảng này sẽ không ảnh hưởng đến năng suất.
Nhưng khi nồng độ tăng cao hơn mức độ tới hạn, cây trồng sẽ cho thấy có sự hấp thu xa xỉ các chất dinh dưỡng (trên mức cần thiết để đạt năng suất tối đa). Sự tiêu thụ xa xỉ này rất phổ biến trong hầu hết các loại cây trồng. Các nguyên tố được hấp thu với một lượng thừa có thể làm giảm năng suất trực tiếp do sự gây độc, hay gián tiếp do làm giảm nồng độ đến dưới mức độ tới hạn của các chất dinh dưỡng khác.