1. Chọn và lập vườn ươm
Chọn và lập vườn ươm phải theo tiêu chuẩn ngành 04-TCN-52-2002 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BNN-KHCN, ngày 3/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Vườn ươm đồng thời cũng phải đáp ứng được những yêu cầu của Dự án trồng rừng KfW:
– Vườn ươm nhỏ, phân tán gần nơi trồng rừng (không xa quá 4km) để thuận tiện cho việc vận chuyển và bảo đảm chất lượng cây con.
– Mặt bằng vườn phải tương đối bằng phẳng, thoát nước, nơi rọi nắng.
– Gần nguồn nước sạch và có đủ nước tưới quanh năm, không được dùng nước ao tù, nước đọng.
– Vườn phải đặt xa nguồn bệnh và tách rời khu canh tác nông nghiệp. An toàn, dễ bảo vệ, không bị gia súc phá hoại.
2. Chuẩn bị đất gieo
Hạt được gieo trên luống sau đó tuyển lựa những cây tốt để cấy vào bầu.
Luống gieo phải được cày bừa hoặc cuốc lật đất sâu 30cm, phơi kỹ rồi đập nhỏ, nhặt sạch cỏ và rễ cây. Mặt luống rộng từ 0,8 – 1m, rãnh luống rộng 0,5 – 0,6m. Tốt nhất dùng lớp cát tinh tránh được mầm bệnh phủ trên luống gieo 3 – 5cm.
Trước khi gieo hạt 5-7 ngày phun Viben C 0,3% liều lượng 0,3 lít/m2 để phòng bệnh thối cổ rễ.
Trước khi gieo hạt một ngày tưới nước đủ ẩm cho luống gieo hoặc khay.
3. Thời vụ gieo ươm
Gieo ngay sau khi thu hái và chế biến hạt.
Thời vụ thích hợp nhất là tháng 3 đến tháng 4.
4. Xử lý hạt
Hạt Sao đen không có tính ngủ, nên không cần biện pháp để xử lý phá ngủ.
Có thể thúc nảy mầm bằng cách ngâm hạt trong nước khoảng 8 giờ trước khi đem gieo.
5. Gieo hạt tạo cây mạ để cấy
Để tạo cây mạ đem cấy, hạt được gieo vãi đều trên luống. 1kg hạt cho 8-10m2, sau đó phủ một lớp đất mịn dày khoảng 0,5cm.
Hàng ngày tưới nước, ngày nắng: 2 lần/ngày. Mỗi lần: 8-10 lít/m2.
Luống gieo nhất thiết phải có dàn che bóng: 70 – 80%.
6. Tạo bầu
a) Vỏ bầu
Vỏ bầu được làm bằng P.E màu trắng đục hay đen, bảo đảm độ bền để khi đóng bầu, trong quá trình chăm sóc cây trong vườn cũng như khi vận chuyển cây không bị hư hỏng.
Kích thước bầu: 10×15 cm. Bầu không đáy và đục lỗ xung quanh.
b) Thành phần hỗn hợp ruột bầu (tính theo khối lượng)
Đất mặt dưới tán rừng: 88%
Phân chuồng hoai : 10%
Supe lân Lâm Thao : 2%
Yêu cầu phân chuồng:
– Phân phải qua ủ hoai.
– Phân khô.
Yêu cầu phân Lân:
– Phân Supe Lâm Thao, không vón cục.
– Hàm lượng P2O5 tổng số đạt tỷ lệ 14%.
Yêu cầu đất dưới tán rừng:
– Có hàm lượng mùn từ 2% trở lên.
– Thành phần cơ giới: thịt nhẹ (sét vật lý 20 – 25%).
Trường hợp không có đất dưới tán rừng có thể thay thế bằng đất dưới tán tế guột hoặc cỏ lào.
Kỹ thuật trộn đất ruột bầu:
Đất hoặc phân chuồng được đập nhỏ, sàng (đường kính mắt lưới nhỏ hơn 4mm) để loại bỏ rễ cây, tạp vật; trộn đều các thành phần đất, phân chuồng và Supe lân theo tỷ lệ quy định (định lượng bằng thúng, sảo, thùng chậu…), và vun thành đống cao 15-20cm. Sau đó phun ẩm và dùng vải mưa, giấy ni lông phủ kín ủ 4-5 ngày ngoài nắng.
c) Tạo luống đặt bầu.
Luống rộng 1m.
Dài: 5 – 10m.
Rãnh luống rộng 0,6m.
Mặt luống được dọn sạch cỏ dại, san phẳng nện chặt.
d) Đóng và xếp bầu.
Trộn hỗn hợp ruột bầu theo tỷ lệ quy định. Cho hỗn hợp vào 1/3 bầu, lèn chặt để tạo đáy bầu, tiếp tục cho hỗn hợp đầy vào bầu, dùng ngón tay lèn cho đất xuống đều và chặt. Bầu được xếp thành hàng sát nhau trên luống, cứ 2 hàng bầu chừa lại một hàng, hàng chừa lại lấp đất khoảng 2/3 thân bầu và xếp hai hàng kế tiếp. Mép luống phải đắp bờ cao ít nhất 2/3 thân bầu xung quanh luống để giữ bầu không bị nghiêng ngả.
7. Cấy cây mạ
Cây mạ:
– Khi cây mạ mọc được 30 – 45 ngày và có 3 lá thật là có thể nhổ để cấy vào bầu.
– Không được dùng cây mạ quá tuổi (hơn 2 tháng)
Cấy cây:
– Tưới nước đủ ẩm trên mặt luống gieo, dùng bay nhỏ bứng cây đặt vào bát nước để tránh làm khô rễ mầm, cấy đến đâu nhổ đến đấy.
– Dùng que nhọn chọc giữa bầu một lỗ nhỏ sâu hơn rễ cây mầm, đặt cây mầm vào sao cho cổ rễ dưới mặt bầu khoảng 3mm và dùng que ép chặt đất vào rễ mầm. Cấy đến đâu lấy cây đến đấy. Khi cấy phải ngập hết phần rễ cọc và 2/3 lá mầm.
– Sau khi cấy phải tưới nước đủ ẩm và giữ ẩm thường xuyên, nhất thiết phải che bóng cho cây.
Lưu ý: Có những hạt có 2 – 3 phôi, bởi vậy, khi tỉa cây cấy hết sức cẩn thận tránh hư hại những cây còn lại.
8. Chăm sóc cây con
a) Che bóng cho cây.
Vườn ươm cây Sao đen không nhất thiết phải làm giàn che bóng cố định. Có thể dùng lưới PE mầu sẫm cơ động trong việc điều chỉnh độ che phủ và sử dụng được trong nhiều năm, hoặc có thể dùng ràng ràng (tế guột) cắm trên luống cây.
Thời gian và mức độ che bóng: Trong 20 ngày đầu cây phải được che bóng 70 – 80%, sau đó giảm dần và đến tháng thứ 4 thì dỡ bỏ hoàn toàn.
b) Tưới nước
Trong 15 ngày đầu, tưới 1 lần/ngày. Tưới vào lúc trời râm mát, sau đó 2-3 ngày tưới 1 lần. Lượng nước tưới phụ thuộc vào thời tiết, nhưng phải đảm bảo cho bầu luôn đủ ẩm (khoảng 3 – 5 lít/m2). Tránh tưới quá đẫm gây úng, dễ sinh nấm bệnh.
Vào mùa đông, nếu giá rét thì nên tưới cây vào buổi sáng.
Ngừng tưới nước trước khi xuất vườn 20 – 30 ngày.
c) Cấy dặm
Sau khi cấy 5 – 10 ngày tiến hành kiểm tra, cây nào chết phải cấy dặm ngay, đảm bảo mỗi bầu có 1 cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngoài số cây gieo tạo trong luống, có thể đánh từ những bầu mọc 2 – 3 cây (nếu gieo hạt thẳng vào bầu). Lưu ý khi đánh không để bung đất ảnh hưởng đến bộ rễ cây để lại.
Những bầu trồng dặm tập trung ở một số luống để tiện chăm sóc.
d) Nhổ cỏ, phá váng
Nhổ hết cỏ trong bầu và quanh luống, điều chỉnh chọn cây mầm đứng thẳng, kết hợp với xới nhẹ, phá váng sâu 0,5 cm bằng một que nhỏ, xới xa gốc, tránh làm cây bị tổn thương, định kỳ trung bình 15-20 ngày/1 lần.
e) Bón thúc
Luôn theo dõi tình hình sinh trưởng của cây, đặc biệt trong thời gian đầu để có biện pháp tác động thích hợp.
Có thể bón thúc khi cây con sinh trưởng kém. Sau 15-20 ngày có thể bón thúc. Trong 3 tháng đầu, mỗi tháng bón 1 lần bằng phân N:P:K (5:10:3) nồng độ 1% (0,1 kg/10 lít nước), tưới 3 lít/m2.
Tưới phân bằng ô doa lỗ nhỏ vào sáng sớm hoặc chiều tối, sau đó phải tưới rửa lá cho cây con bằng nước lã sạch (2,5 lít/m2) đề phòng táp lá. Không tưới phân vào ngày nắng gắt, tốt nhất tưới vào những ngày râm mát hoặc mưa phùn, vào buổi sáng hoặc chiều tối.
Chú ý không dùng phân đạm Urê để tưới thúc cho cây.
g) Đảo bầu kết hợp phân loại cây.
Khi thấy rễ cọc phát triển vượt qua đáy bầu thì tiến hành đảo bầu.
Thường cây con sau 2 tháng tuổi thì đảo bầu lần đầu tiên.
Sau đó thường xuyên kiểm tra. Khi phát hiện rễ cọc phát triển vượt ra ngoài đáy bầu, tiến hành đảo bầu và dùng kéo hoặc dao sắc cắt phần rễ mọc ra ngoài bầu, tránh không để rễ cây bị dập nát. Những lần đảo bầu phải kết hợp với việc phân loại cây. Để riêng cây tốt, cây xấu ra các luống riêng để chăm sóc.
Sau khi đảo bầu cần tưới nước, che nắng cho đến khi cây ổn định, chỉ đảo bầu vào những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ.
Đảo bầu lần cuối trước khi trồng 3 – 4 tuần.
Khi cành, lá cây con đan vào nhau thì phải giãn bầu kết hợp với lần đảo bầu.
9. Phòng trừ sâu bệnh
a) Bệnh thối cổ rễ
Triệu chứng: Cổ rễ cây bị thối nhũn làm cây con bị chết. Bệnh thường xuất hiện khi cây con được 1 tháng tuổi, đặc biệt trong thời tiết ẩm.
Phòng bệnh: Trước khi gieo hạt vào bầu 3-5 ngày cần phun đều Benlat trên luống cấy để đề phòng bệnh lở cổ rễ. Liều lượng pha như sau: hoà 3-5 gam Benlat vào 1 lít nước phun đều cho 10 m2 (nồng độ 0,3 – 0,5 %).
Trị bệnh: Khi cây đã bị bệnh phải ngừng tưới nước, làm cỏ kết hợp phá váng mặt bầu, để khô 2 – 3 ngày, sau đó phun thuốc Benlat với nồng độ nêu trên hoặc dùng Boóc đô nồng độ 0,5 – 1% phun 1 lít/4m2. Trường hợp bệnh không thuyên giảm có thể thay thể thuốc khác như: Viben C nồng độ 0,3%, liều lượng 0,3 lít/m2, phun 3 ngày 2 lần cho tới khi hết bệnh.
b) Các nguồn hại khác
Sao đen thường bị các loài sâu xám, bọ rày nâu, dế phá hại. Cách phòng trừ: ngoài việc giữ gìn vườn ươm sạch sẽ, phát dọn các lùm cây, bụi rậm xung quang vườn còn có thể áp dụng các biện pháp như: bắt hoặc phun Penitrothion, Malathion, Padan 4H… vào buổi chiều tối, ban êm, côn trùng, sâu bệnh hại sau khi ra ăn sẽ bị chết.
Khi phát hiện có chuột, chim phá hại cần phải đặt bẫy để xua đuổi. Nếu có kiến, dế, xâm hại thì dùng thuốc Basurin 10H hoặc 20H trộn với đất bột rắc lên luống.
10. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
Tuổi cây: 16 – 18 tháng tuổi.
Đường kính cổ rễ: từ 0,8cm trở lên.
Chiều cao: Từ 40 – 60cm.
Cây xanh tốt, phát triển cân đối, không cong queo, không bị nhiễm bệnh không cụt ngọn, không nhiều thân.
Cây có bộ rễ phát triển, nhiều rễ con.
Không trồng lúc cây có đọt non.
TƯ VẤN KỸ THUẬT: 0969.64.73.79