KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ NẤM PHYTOPHTHORA TRÊN QUẢ CACAO

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo đến bà con nông dân các giải pháp hữu hiệu để phòng trừ nấm phytophthora trên quả ca cao nhằm tạo điều kiện cho vườn ca cao đạt năng suất cao. Nấm phytophthora là đối tượng gây bệnh hại phổ biến và nghiêm trọng làm giảm năng suất trên cây ca cao ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên, trên vườn ca cao, bà con nông dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt bằng cách vệ sinh vườn cây như làm cỏ, cắt bỏ cành, quả sâu bệnh, đánh chồi, tạo hình theo đúng định kỳ, thông thoáng vườn cây. Mặc dù việc trồng các loại cây che bóng, chắn gió cho cây ca cao là cần thiết nhưng bà con cần rong tỉa cành lá trong mùa mưa để vừa tạo thông thoáng vừa hạn chế bệnh thối quả cho vườn ca cao.
Khi phát hiện vườn cây bị bệnh nấm phytophthora, bà con nên sử dụng thuốc Agri-Fos 400 tiêm từ 1 đến 2 mũi/lần với liều lượng 20 ml dung dịch thuốc/mũi tiêm. Bà con cũng nên dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị nhiễm và dùng thuốc Rodomyl Gold, Alpine 80Wp hoặc Aliette 80Wp pha với liều lượng 20 g/lít nước rồi dùng cây cọ, bàn chải mềm bôi thuốc lên chỗ đã cạo nhiều lần đến khi vết bệnh khô hẳn.
Trong giai đoạn vườn ca cao cho quả, bà con nông dân cần phun thuốc phòng ngừa theo định kỳ từ 10 đến 15 ngày một lần để tránh bệnh xâm nhiễm làm trái ca cao bị thối, giảm năng suất.
Ngoài ra, để phòng trừ nấm này, Viện cũng hướng dẫn bà con nông dân quét vôi mỗi năm dưới gốc cây từ 1 đến 2 lần, vào cuối mùa nắng hay đầu, cuối mùa mưa, xung quanh gốc có rải thêm vôi bột…
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 2.008 ha ca cao, trong đó, diện tích cho sản phẩm 780 ha, với năng suất bình quân đạt 9,18 tạ hạt khô/ha, sản lượng thu hoạch 716 tấn hạt khô lên men. Đây cũng chính là địa phương có diện tích ca cao nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên.

TƯ VẤN KỸ THUẬT: 0969.64.73.79