Cạo mủ là cắt ngang các ống mủ nằm trong lớp vỏ cạo khiến chất dịch nằm trong ống mủ chảy tràn ra ngoài gọi là mủ cao su.
- Mở miệng cạo: Là triển khai công tác cạo lần đầu tiên trên cây cao su vừa hết giai đoạn KTCB. Chỉ mở miệng cao khi cây có vành thân đo ở chiều cao 1m cách mặt đất đạt 50cm và 1 vườn cây chỉ được mở cạo khi có tối thiểu 50% số cây đạt tiêu chuẩn vòng thân theo quy định.
Hằng năm mở miệng cạo cây 2 lần: Lần đầu vào tháng 4-5, lần 2 vào tháng 10. Tránh mở vào mùa mưa vì bệnh loát sọc miệng cạo tấn công.
1.1. Trang bị vật tư cho cây cạo: Kiềng, máng, chén, máng chắn nước mưa.
Kiềng buộc cách miệng tiền 35cm cho cả 2 miệng cạo ngửa và cạo úp có kiểm soát, các vườn cây nhóm I, nhóm II không được đóng kiềng vào thân cây cao su. Buộc kiềng bằng dây lò xo thép f = 0,8mm hoặc bằng dây nylon.
Máng đóng dưới miệng tiền 10cm đối với cạo ngửa và 15cm đối với cạo úp có kiểm soát, sâu cách gỗ 2mm, độ dốc của máng so với trục ngang là 300. Chén hứng mủ bằng đất nung có tráng lớp men sứ hoặc bằng chén nhựa mặt trong láng, dung tích từ 500-1.000ml.
1.2. Thiết kế miệng cạo:
1.2.1. Chiều cao miệng cạo: Mở miệng tiền cách mặt đất 1,3m. Cạo miệng ngửa liên tục sáu năm ở mặt cạo vỏ nguyên sinh B0-1, sau đó chuyển miệng cạo sang mặt cạo vỏ nguyên sinh B0-2, cũng cạo ở độ cao 1,3m cách mặt đất.
Cạo úp có kiểm soát khi vị trí miệng tiền nằm trong khoảng từ 1,3m đến 2,0m cách mặt đất.
1.2.2. Độ dốc miệng cạo: Đối với miệng cạo ngửa: Quy định độ dốc miệng cạo từ 300 – 340 so với trục ngang tùy nhóm cây khai thác.
Đối với miệng cạo úp: Quy định độ dốc miệng cạo là 450.
1.2.3. Dụng cụ để thiết kế miệng cạo: Rập chữ U. Thước cây 150cm có đánh dấu vị trí miệng tiền, vị trí cắm máng, vị trí treo kiềng. Dây có 3 gút (100cm) để chia thân cây ra làm hai hoặc bốn phần bằng nhau. Rập (cờ) có cán để bảo đảm độ dốc. Thước đánh dấu hao dăm hàng tháng. Móc rạch. Thước, rập của 2 miệng cạo ngửa và úp được đánh dấu và thiết kế khác nhau.
1.2.4. Cách thiết kế:
– Miệng cạo ngửa: Dùng rập chữ U đánh dấu cây đủ tiêu chuẩn cạo. Miệng tiền được mở cùng một phía trong lô và hướng ra giữa hàng để dễ quan sát. Đặt thước cây để rạch ranh tiền, đánh dấu vị trí miệng tiền, vị trí cắm máng hứng mủ và vị trí treo kiềng. Dùng dây có ba gút để chia thân cây cao su làm hai phần bằng nhau.
Xác định ranh hậu bằng một đường rạch dọc theo thân cây. Đặt rập ngay đúng vị trí ranh tiền để rạch miệng cạo chuẩn và các đường rạch chuẩn hao dăm hàng quý.
Dùng thước đánh dấu hao dăm hàng tháng, vạch dấu chuẩn ở ranh tiền và ranh hậu. Khơi mương tiền dài 10-11cm, sâu đến lớp da cát mịn (kiểu đầu voi, đuôi chuột), mương tiền phải thẳng góc so với mặt đất.
– Miệng cạo úp: Trong cùng một lô, miệng tiền cũng phải được thiết kế đồng loạt theo một phía thống nhất.
Đặt thước cây và móc để rạch ranh tiền từ vị trí 1,3m cách đất thẳng lên phía trên. Dùng dây có ba gút để chia thân cây cao su làm hai phần (cho miệng cạo 1/2S) hoặc bốn phần (cho miệng cạo 1/4S) bằng nhau.
Xác định ranh hậu bằng một đường rạch dọc theo thân cây. Đặt rập ngay đúng vị trí ranh tiền để rạch miệng cạo chuẩn. Lưu ý độ dốc của miệng cạo úp phải là 450 ngay từ khi mở cạo. Khơi mương tiền từ miệng tiền đến vị trí cắm máng (dài 15cm), sâu đến lớp da cát mịn (kiểu đầu voi, đuôi chuột), mương tiền phải thẳng góc so với mặt đất.
1.3. Mở miệng cạo:
1.3.1. Miệng ngửa: Sau khi thiết kế, cạo xả miệng 3 nhát dao:
– Nhát 1: Cạo chuẩn.
– Nhát 2: Vạt nêm.
– Nhát 3: Hoàn chỉnh miệng cạo, cạo ép má dao từ từ đến độ sâu cạo quy định, tránh cạo phạm khi mở miệng cạo.
1.3.2. Miệng úp: Sau khi thiết kế, cạo xả miệng theo hướng cạo lên 3 nhát dao tương tự như cách cạo ngửa, độ sâu cạo phải dần dần tăng lên cho đến khi cách tượng tầng vào khoảng 1,0 – 1,3mm.
- Khai thác mủ:
– Thời vụ cạo mủ: Người ta tiến hành cạo mủ khi cây có tán lá ổn định.
Hàng năm cây cao su rụng lá sinh lý sớm hay muộn tùy theo dòng vô tính, nền đất trồng, vùng tiểu khí hậu. Vì vậy, vườn cây nào rụng lá trước thì cho nghỉ trước. Nghỉ cạo lúc lá bắt đầu nhú chân chim.
– Độ sâu cạo mủ: Cạo cách tượng tầng 1,0-1,3mm đối với cả hai miệng ngửa và úp. Tránh cạo cạn (cạo cách tượng tầng trên 1,3mm), cạo sát (cạo cách tượng tầng dưới 1mm), cạo phạm (cạo chạm gỗ).
– Mức độ hao dăm, hao vỏ cạo. Đánh dấu hao dăm: Đối với miệng cạo ngửa, hao dăm 1,1 – 1,5 mm/lần cạo. Hao vỏ cạo tối đa 16 cm/năm đối với nhịp độ cạo d/3; 20 cm/năm đối với nhịp độ cạo d/2.
Đối với miệng cạo úp có kiểm soát, hao dăm không quá 2 mm/lần cạo. Hao vỏ tối đa 3 cm/tháng.
Đối với miệng cạo úp ngoài tầm kiểm soát, hao dăm không quá 3 mm/lần cạo. Hao vỏ tối đa 4,5 cm/tháng.
– Giờ cạo mủ – trút mủ – giao nhận mủ:
Giờ cạo mủ: Buồi sáng bắt đầu cạo mủ khi nhìn thấy rõ đường cạo. Mùa mưa, chờ vỏ cây khô ráo mới bắt đầu cạo.
Giờ trút mủ: Thời gian chờ trút mủ tùy thuộc vào thời tiết. Những ngày trời chuyển mưa có thể trút sớm hơn, mủ trút xong được đưa ngay về trạm nhận mủ.
Giao nhận mủ: Khi đổ mủ nước từ thùng trút sang thùng chứa phải dùng rây lọc mủ với kích thước lỗ 5mm. Khi đổ mủ nước từ thùng chứa vào bồn của xe mủ phải có lưới lọc với kích thước lỗ 3mm. Cứ mỗi 50-100ha lập một trạm giao nhận mủ, có mái che, giàn để mủ tạp và bể nước để tráng rửa thùng.
– Dụng cụ cạo mủ trang bị cho công nhân: Công nhân cạo được trang bị 2 dao cạo mủ, 1 giỏ đựng mủ tạp, 1 thùng trút 10 lít hoặc 15 lít, 1-4 thùng chứa 25 lít hoặc 35 lít, 1 rây lọc mủ, 1 vét mủ, 1 nạo vỏ, 1 đòn gánh, 2 móc
Các dụng cụ cạo mủ phải thật sạch sẽ, dao cạo phải có chất lượng tốt, được mài bén thường xuyên, chất lượng sử dụng tốt.
- Các sản phẩm mủ cao su:
Mủ nước: Đó là chất lỏng hơi dính màu trắng đục như sữa. Hàm lượng cao su khô trong mủ nước gọi tắt là DRC. Hàm lượng DRC thay đổi theo cách khai thác. Chất lượng mủ nước tại vườn cây có ảnh hưởng rất lớn cao su sơ chế vì vậy cần bảo quản mủ nước không bị lẫn tạp chất bụi, đất, cát, không bị đông cục bộ…
Mủ tạp: Là loại mủ khi thu hoạch đã ở trạng thái đông đặc tự nhiên ngoài lô cây như mủ đông tại chén, tại miệng vết cạo, hoặc trên vỏ cây.
Các loại mủ tạp thường bẩn, chất lượng thường kém vì thế cần làm giảm tỉ lệ mủ tạp bằng cách: Trút mủ đúng giờ, không trút quá sớm; Đảm bảo trút hết các cây đã cạo, không bỏ sót; Vét sạch chén mủ; Tránh làm rơi vãi mủ khi trút và vận chuyển đến điểm thu mủ tại lô cây.
TƯ VẤN KỸ THUẬT: 0969.64.73.79