HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT GHÉP CHỒI BƠ

Giống bơ pinkerton (còn gọi là bơ pin) rất có giá trị trong thời điểm hiện tại

Bước 1: Lựa chọn giống bơ để ghép

  • Việc đầu tiên trước khi tiến hành ghép bơ là bà con phải xác định được giống bơ mình sẽ ghép, điều này rất quan trọng, vì tiềm năng kinh tế, sự thích nghi, sinh trưởng của mỗi giống bơ lại có sự khác nhau
  • Một số giống bơ có giá trị kinh tế cao có thể kể đến như sau
    • Các giống bơ trong nước: Giống bơ 034, bơ tứ quý, bơ Thành Bích, bơ Năm Lóng, bơ Không Tên, bơ Trịnh Mười…
    • Các giống bơ ngoại nhập: Giống bơ bút (booth), bơ hass, bơ reed, bơ pinkerton, bơ fuerte…
  • Trong các giống bơ kể trên, mỗi giống đều có ưu điểm riêng, tuy nhiên nổi trội nhất là các giống bơ ngoại (đã kể trên) và giống bơ 034, đây đều là những giống thích nghi rộng, cho năng suất cao, thị trường ưa chuộng, khả năng vận chuyển đi xa rất tốt. Bà con nên lựa chọn những giống bơ này để ghép sẽ có hiệu quả hơn
Giống bơ pinkerton (còn gọi là bơ pin) rất có giá trị trong thời điểm hiện tại
Giống bơ pinkerton (còn gọi là bơ pin) rất có giá trị trong thời điểm hiện tại

Bước 2: Chọn cây ghép (cây bơ thực sinh)

Bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu vào hướng dẫn ghép bơ trên cây bơ thực sinh (ươm từ hạt) trong bầu ươm. Đối với việc ghép bơ trên các cây bơ đã lớn hoặc bơ thực sinh nhưng trồng trực tiếp ngoài vườn, rẫy… sẽ được giới thiệu ở bài viết khác.

Cách chọn cây bơ để làm gốc ghép phải đảm bảo các yêu cầu sau

  • Cây khỏe mạnh, đồng đều, thân thẳng không bị hiện tượng thối thân, nứt vỏ
  • Ươm trong bầu từ 3-5 tháng, khi đường kính thân đạt từ 0,4 – 0,6cm
  • Phần lá gốc còn nguyên vẹn, phần ngọn phát triển mạnh, không bị các loại côn trùng chích hút
  • Vị trí ghép cần có sự tương đồng về kích thước với phần chồi ghép và không quá già không quá non

Bước 3: Chọn chồi bơ để ghép

  • Chồi bơ nên lấy ở phần đầu cành, không nấm bệnh, không bị côn trùng chích hút
  • Thời điểm lấy chồi nên cách đợt bón phân ít nhất 20-30 ngày
  • Khi cắt chồi nên chọn ngày nắng ráo, không cắt vào ngày trời mưa
  • Nên cắt chồi dài từ 15-20cm, mỗi chồi như vậy khi ghép ta sẽ tiến hành cắt ngắn hơn sao cho chồi ghép lên cây thực sinh phải có từ 2-4 mắt ngủ (mầm hạt gạo). Chiều dài từ 3-5cm
  • Trường hợp cần vận chuyển đi xa, nên tránh ánh nắng trực tiếp, bụi bặm, và có chế độ giữ ẩm cẩn thận, tránh để chồi bị bẩn, bị khô
  • Hình tham khảo chồi bơ đạt yêu cầu để ghép
Cách chọn chồi bơ để ghép
Cách chọn chồi bơ để ghép

Bước 4: Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để ghép cây

  • Dao ghép: Có thể sử dụng dao rọc giấy hoặc dao ghép chuyên dụng, yêu cầu phải đủ sắc, tạo vết cắt ngọt, không làm xơ dập vị trí cắt. Trước khi tiến hành ghép cần khử trùng dao cho sạch
  • Dây ghép: Sử dụng dây ghép chuyên dụng hoặc tận dụng túi nilon kéo dãn, miễn sao đủ chắc chắn để cố định chồi, đồng thời đủ mỏng để chồi ghép có thể đâm ra ngoài khi phát triển
  • Túi nilon nhỏ: Để chụp lên phần chồi và vị trí ghép, giúp giữ ẩm và tránh các loài côn trùng, nấm bệnh tấn công thời gian đầu

Bước 5: Tiến hành ghép bơ

  • Bà con tiến hành cắt chồi bơ sao cho mỗi chồi ghép có từ 2-4 mầm chồi. Chiều dài từ 3-5cm. Sau đó dùng dao ghép vát 2 bên chồi thành hình mũi nhọn ở giữa
  • Phần gốc ghép chọn vị trí có đường kính tương đồng với đường kính của chồi ghép, có thể lớn hơn một chút nhưng không được quá già hoặc quá non. Dùng dao ghép cắt ngang tại vị trí đó sau đó chẻ dọc chính giữa vết cắt theo chiều dọc của thân khoảng 1 – 1,5cm.
  • Đặt chồi đã vát nhọn vào vị trí chẻ dọc sao cho ít nhất 1 bên phần vỏ của chồi liền với vỏ của gốc ghép.
  • Đẩy chồi xuống phía dưới sao cho không có khoảng trống từ đỉnh nhọn của của chồi đến phần cuối của vết cắt dọc của gốc ghép
  • Dùng dây ghép quấn chồi ghép và thân ghép sao cho vị trí ghép ít được cố định tối đa. Quấn từ dưới quấn lên đến đỉnh chồi rồi quấn ngược lại vị trí cắt, thắt nút để cố định
  • Cuối cùng bà con tiến hành chụp túi nilon nhỏ lên phần vị trí ghép và chồi ghép, sau khoảng 15-20 ngày, chồi lấy được chất dinh dưỡng từ gốc ghép, sẽ phát triển mầm từ các mầm ngủ và có thể bỏ túi nilon.
  • Để dễ hình dung hơn mời bà con cùng tham khảo hình ảnh ghép thực tế như sau
Cách ghép bơ - Hình 1
Cách ghép bơ – Hình 1
Cách ghép bơ - Hình 2
Cách ghép bơ – Hình 2
Cách ghép bơ - Hình 3
Cách ghép bơ – Hình 3

Tham khảo video về cách ghép bơ chi tiết hơn qua video sau

 

Một số lưu ý khi tiến hành ghép bơ

  • Để tăng tỷ lệ thành công cho việc ghép bơ lên cây thực sinh. Bà con cần lưu ý những điểm sau
  • Xếp cây đã ghép hoàn chỉnh thành hàng để tiện chăm sóc, tưới nước kịp thời.
  • Vị trí xếp cây không được đọng nước, không bị ánh nắng chiếu trực tiếp, tốt nhất là nên làm giàn che bằng lưới vườn ươm hoặc để dưới bóng cây lớn
  • Ghép vào mùa đông chồi sẽ lâu nảy mầm hơn, có thể lên đến 30-40 ngày
  • Sau khi chồi mọc từ các mắt chồi, chỉ nên để lại 1 chồi duy nhất, khỏe mạnh và cân đối nhất để cây dồn chất dinh dưỡng cho chồi này, cây ghép sau này sẽ khỏe hơn
  • Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên kiểm tra các chồi vượt mọc từ gốc ghép, nên vặt bỏ hoàn toàn tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng với chồi ghép
  • Thời gian đầu chồi mới nảy mầm, cần phun xịt các loại thuốc trừ sâu để xua đuổi và hạn chế các loài côn trùng chích hút (nhện đỏ, bọ xít muỗi, rệp sáp…)
  • Sau ghi ghép khoảng 3-6 tháng là có thể xuất cây mang ra trồng được. Kỹ thuật trồng và chăm sóc, bà con có thể tham khảo thêm tại bài viết sau: Hướng dẫn kỹ thuật trồng bơ năng suất cao
Cây giống bơ booth 7 ghép theo phương pháp nêm chồi
Cây giống bơ booth 7 ghép theo phương pháp nêm chồi

TƯ VẤN KỸ THUẬT: 0969.64.73.79