Rệp muội là côn trùng khá phổ biến trên xoài. Rệp muội có tên khoa học Toxoptera auranti, thuộc họ rầy mềm (Aphididae), bộ cánh đều (Homoptera). Cơ thể của chúng có hình quả lê, dài khoảng 1,5 – 2mm, mầu nâu đen hay mầu nâu đỏ hơi hồng. Trưởng thành có hai dạng: có cánh và không có cánh.
Trong điều kiện bình thường ở vùng nhiệt đới như nước ta, nếu có thức ăn phù hợp (đọt, lá non, mềm), thì rệp cái thường không có cánh và sinh sản đơn tính là chủ yếu (đẻ con chứ không đẻ ra trứng). Rệp có cánh thường chỉ xuất hiện khi mật độ rệp quá cao hoặc lá cây đã già.
Do vậy chúng tích lũy mật số rất nhanh, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời thì rất dễ bị gây hại nặng. Rệp non màu nâu hoặc xám đen.
Cả rệp trưởng thành và rệp non đều sống tập trung và gây hại ở những lá non, cành non, đọt non, cuống trái để chích hút nhựa, làm cho chồi non biến dạng, lá cong queo, còi cọc, trái kém phát triển, giảm khả năng tăng trưởng của cây.
Ngòai gây hại trực tiếp thì trong chất bài tiết của rệp có nhiều chất mật ngọt là môi trường thuận lợi cho cho nấm bồ hóng phát triển phủ kín cả cành, lá ảnh hưởng trực tiếp đến qúa trình quang hợp của cây.
* Biện pháp phòng trừ: Trong tự nhiên rệp muội và rầy Psyllidae có nhiều thiên địch ăn thịt như bọ xít ăn thịt, kiến vàng và các loài nấm ký sinh, nhất là ong ký sinh rất phổ biến. + Sau khi thu hoạch cần tiến hành xén tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng nhằm hạn chế sự gây hại của rầy; + Khi phát hiện có sự xuất hiện của rệp muội thì phun thuốc phòng trừ, chủ yếu phun vào các bộ phận có rệp, không phun tràn lan. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Dầu khoáng SK 99, Actara, Confidor,… + Đối với vùng bị triệu chứng ghẻ xoài trên lá thì phun thuốc trừ rầy khi xoài giai đoạn ra đọt non (lá lụa) để ngăn chận rầy đẻ trứng (vì rầy Psyllidae thường đẻ trứng trên lá non ), nếu thấy lá xoài có những mụt màu đen nổi lên thì đã muộn không cần thiết phun thuốc vì lúc này rầy đã vũ hóa bay ra ngoài./.