CÁCH PHA CHẾ THUỐC TRỪ SÂU THẢO MỘC

Đối diện với vấn đề thực phẩm bẩn, nhiều gia đình tận dụng khoảng đất trống hoặc sân thượng để trồng các loại rau củ và cây ăn trái. Bởi vậy nên việc trừ diệt sâu bọ cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Từ những sản phẩm thiên nhiên, người trồng có thể tạo ra các dung dịch làm hạn chế và diệt trừ sâu bệnh.

1. Dung dịch từ ớt, tỏi, gừng

Ớt, tỏi, gừng là một trong những loại củ quả có chứa một hàm lượng axit cao, có thể diệt trừ, xua đuổi sâu bọ và côn trùng hại trên các loại rau ăn lá.

Các nguyên liệu gồm 1kg tỏi,1 kg ớt,1kg gừng giã nhỏ trộn với 3 lít rượu. Có thể ngâm từng loại nguyên liệu ngâm chung cả 3 loại với rượu; Đây là nước cốt tinh để pha chế khi phun

Thời gian ngâm tốt nhất là 15 ngày, mục đích là để cho các chất gây cay có trong nguyên liệu trộn đều vào rượu. Như vậy, tỷ lệ các chất gây cay trong dung dịch ngâm sẽ có nồng độ đậm đặc nhất, tốt cho việc tiêu diệt sâu hại.

2. Thuốc trừ sâu từ hành tăm

Tác dụng: Chống nấm, trừ sâu, xua đuổi sâu bọ nhẹ.

Đối tượng: Rệp vừng, bướm hại bắp cải, bét, ruồi hại cà chua, ve, bọ bay màu trắng, bệnh chết cây non do quá nhiều nước, bệnh tàn rụi muộn, bệnh đốm lá cà chua, chuột nhắt và chuột chũi.

Cách pha chế: 10-100g củ hành tăm giã nhỏ với 1 lít nước, để trong thùng có nắp 4-7 ngày trước khi phun.

3. Chế thuốc trừ sâu từ rau quế

Rau quế có tác dụng diệt trừ sâu rệp, côn trùng làm ức chế việc đẻ trứng của sâu bọ. Sử dụng lá, cọng hoặc nguyên cây để chế tạo thuốc. Khi sử dụng hỗn hợp thuốc trừ sâu này, ta phun lên các phần cây bị nhiễm bệnh vào sáng sớm, để tăng hiệu quả của thuốc.

Cách làm: Lấy lá quế, nghiền nát sau đó ngâm vào trong nước (khoảng 2-3 lít nước đối với 50 g lá) và để qua đêm. Sau đó lọc lấy nước, đổ thêm xà phòng (8- 12 ml xà phòng đối với liều lượng dung dịch trên) khuấy đều.

4. Thuốc trừ sâu từ lá đu đủ

Dung dịch thuốc trừ sâu chế từ đu đủ có tác dụng trừ nấm, giun tròn và sâu bọ như rệp vừng, sâu bướm, sâu ngài đêm, giun tròn thắt đốt, mối, bệnh gỉ sắt ở cà phê, nấm mốc sương bột và rầy nâu làm đốm lá lúa.

Cho 1 kg lá chặt nhỏ vào 1 lít nước, lắc mạnh, lọc, cho thêm 4 lít nước, hai muỗng dầu hỏa và một ít xà phòng (20 g hoặc ml), phun hoặc tưới vào đất để chống sâu ngài đêm.

5. Thuốc trừ dâu từ lá cà chua

Tác dụng: Trong lá cà chua có chứa nhiều Alkaloids, một loại hóa chất có tác dụng diệt và đuổi côn trùng rất hiệu quả, nhất là rệp vừng, bướm đêm, sâu rầy, bù lạch vv…

Cách pha chế: Dùng khoảng 2 bát lá cà chua nghiền nát ngâm với 2 cốc nước qua đêm, sáng ra gạn lấy nước trong, pha thêm hai cốc nước rồi đem phun vào cây trồng, nhất là loại rau thơm, gia vị.

Nên trồng xen canh một vài cây cà chua trong vườn để xua đuổi một vài loài sâu bọ.

6. Thuốc trừ dâu từ lá cây thuốc lá

Tác dụng: Thuốc làm từ thuốc lá có khả năng diệt trừ bọ trĩ, sâu đục thân, bọ xít dài, sâu cuốn lá nhỏ… các loại rệp ngô, rệp đậu tương, sâu khoang, sâu ba ba trên rau muống, sâu khoang ở cây táo, nhện đỏ ở cam chanh…

Cách pha chế: Để chế thuốc người ta lấy lá thuốc cho vào ngâm 1 ngày trong nước lã với tỷ lệ 1 kg lá/ 20 – 40 lít nước. Sau đó vớt ra nghiền nhỏ, lọc lấy nước để phun.