Tình cờ đốt cháy cây mãng cầu đã giúp ông Huỳnh Văn Tánh (Phú Yên) tìm ra được kinh nghiệm quý báu: ép cây mãng cầu ra trái theo ý muốn.

 

Ông Tánh (65 tuổi, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, H.Phú Hòa) cho biết vùng đất này khô khát vào mùa nắng nên cây trồng rất khó bám trụ.

Tuy vậy, ông vẫn mạnh dạn đầu tư trang trại cây ăn trái trên diện tích 4 ha của gia đình.

Đến nay, vườn cây ăn trái của ông có hơn 400 gốc mãng cầu đã vào giai đoạn kinh doanh, mỗi năm ông thu 2 vụ, năng suất bình quân 5 kg/cây.

“Giá mãng cầu những ngày bình thường là 20.000 đồng/kg, nhưng ngày tết lên đến 50.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn mãng cầu cho tui thu nhập từ 100 – 140 triệu đồng”, ông Tánh bộc bạch. 

Cũng theo ông Tánh, sở dĩ vườn mãng cầu cho thu nhập cao và ổn định là nhờ ông có thể ép chúng ra trái theo ý muốn. Ông tiết lộ, trong một vụ đốt rác khiến cây mãng cầu cháy trụi, nhưng khi tưới nước, phân bón đầy đủ thì cây lại ra chồi, đơm hoa và kết trái.

“Lúc đó không phải là mùa ra trái của mãng cầu nhưng cây từng bị cháy vẫn ra trái sum suê. Từ đó, khi nào muốn mãng cầu ra trái tôi lại lặt lá, tỉa cành và bón phân, tưới nước. Để có mãng cầu phục vụ tết, cứ vào cuối tháng 7 âm lịch, tôi thuê nhân công lặt lá, tỉa cành và chăm sóc theo quy trình nên vườn mãng cầu năm nào cũng ra trái trúng dịp Tết Nguyên đán. Còn vụ thứ 2, từ tháng chạp, thời điểm mãng cầu không phải mùa vụ, tôi bắt đầu tiến hành ép ra trái. Khi vườn mãng cầu của tui thu hoạch cũng là thời điểm mãng cầu hết vụ đã lâu nên tư thương tìm đến tận vườn thu mua với giá cao”, ông Tánh khoe. 

Ngoài trồng mãng cầu, ông Tánh còn đầu tư hơn 200 gốc cây mít. Mỗi năm thu hoạch 1 vụ, với năng suất 100 kg/cây. Riêng cây mít, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 140 triệu đồng.

Trước đây, cây mít là nguồn thu nhập chính, nay cùng với cây mãng cầu, mỗi năm mang lại cho gia đình ông từ 240 – 280 triệu đồng. Ở giai đoạn trồng mới cây, ông Tánh thường xuyên trồng xen các loại cây như đu đủ, ớt… Ngoài ra, ông còn trồng 6 ha rừng bạch đàn, hiện đã thu hoạch 2 ha. 

Ông Phan Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc, cho biết ông Tánh là người dân tiên phong trong vùng kinh tế mới thôn Ngọc Sơn Tây. Vùng đất này rất khó khăn, nhưng ông Tánh đã đầu tư xây dựng trang trại vườn cây ăn trái.

“Ông Tánh là hộ nông dân sản xuất giỏi, xây dựng trang trại để tạo nguồn thu cho gia đình. Ông cũng là người đột phá trong việc ép cây mãng cầu ra trái theo ý muốn”, ông Đồng nhận xét.

Còn ông Tánh khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm qua số điện thoại: 01665470927. 

Thử nghiệm mãng cầu Thái
Qua tìm hiểu trên mạng, thấy loại mãng cầu Thái Lan cho năng suất cao, trái lớn nên năm 2015 ông Tánh mua về 140 cây giống trồng thử.

“Đây là loại mãng cầu ghép, không hạt, trái to, ngon ngọt. Hiện ở Phú Yên chưa có giống này nên con tui trong TP.HCM đặt hàng đem về, với giá 40.000 đồng/cây giống”.

Tuy chưa ra trái, nhưng ông Tánh phát hiện giống mãng cầu Thái Lan hợp với thổ nhưỡng ở đây nên năm 2016 tiếp tục đầu tư trồng thêm 150 cây.

“Trái mãng cầu Thái Lan hiện chưa có trên thị trường Phú Yên, nhưng cây này thích nghi và sinh trưởng tốt ở vùng đất Ngọc Sơn Tây. Hy vọng, đây là loại cây trồng đem lại thu nhập cao cho người nông dân”, ông Tánh nói. 

Đức Huy (Báo Thanh Niên)