Cánh đồng mẫu khoai mỡ ở xã Long Mỹ (H.Mang Thít, Vĩnh Long) không chỉ giúp nông dân đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ mà còn mở ra hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương.
Ông Ngô Hoàng Vũ phấn khởi vì trúng mùa khoai mỡ. Ảnh: Thanh Đức
Thoát nghèo nhờ khoai mỡ
Xã Long Mỹ có thế mạnh về sản xuất cây màu như khoai mỡ, củ cải, hành, rau các loại… luân canh trên đất lúa với cơ cấu 2 màu – 1 lúa, 2 lúa – 1 màu. Tuy nhiên, trước đây, do nông dân trồng nhỏ lẻ không tập trung, chưa liên kết nên hiệu quả kinh tế không cao. Để giải quyết tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông H.Mang Thít kết hợp với UBND xã Long Mỹ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất cây màu luân canh trên nền đất lúa – cánh đồng mẫu khoai mỡ theo tiêu chuẩn an toàn, tạo tiền đề hướng đến chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.
Từ khi được triển khai đến nay, mô hình cánh đồng mẫu khoai mỡ đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với sinh thái vùng theo hướng phát triển bền vững… Ông Ngô Văn A (62 tuổi, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ) cho biết ông vừa thu hoạch xong 4,7 công khoai mỡ được 12 tấn, bán giá 6.500 đồng/kg, lời hơn 50 triệu đồng. Theo ông A, tuy vụ khoai kéo dài khoảng 6 tháng (gần gấp đôi vụ lúa) nhưng lợi nhuận cao gấp 3 lần và nhẹ công chăm sóc hơn… Cạnh ruộng khoai với ông A, ông Ngô Hoàng Vũ (41 tuổi) trồng7 công khoai, vừa thu hoạch 4 công được 14 tấn, bán 6.500 đồng/kg, lời hơn 60 triệu đồng. “3 công còn lại thu hoạch dự kiến cũng trên 10 tấn, nếu với giá này thì chắc cũng kiếm được 40 – 50 triệu đồng nữa”, ông Vũ nói.
Nhiều nông dân ở xã Long Mỹ cho biết khoai mỡ trồng từ tháng 2 – 3 và thu hoạch khoảng tháng 8 – 9 âm lịch, năng suất bình quân đạt 32 tấn/ha, giá bán 6.202 đồng/kg; tổng thu 198,4 triệu đồng, sau trừ chi phí, nông dân còn lời 103,3 triệu đồng/ha. Với lịch thời vụ này, sau khi thu hoạch khoai mỡ, nông dân làm thêm được vụ lúa đông xuân. Đặc biệt sau vụ khoai, việc làm lúa ít tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đạt năng suất cao.
Đầu ra ổn định
Theo ngành chức năng H.Mang Thít, bước đầu có 10 hộ tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu khoai mỡ với 4,5 ha. Những hộ đăng ký tham gia mô hình đồng thời vào Tổ hợp tác sản xuất khoai mỡ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống và 30% phân hữu cơ, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ theo hướng VietGAP nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu ổn định. Sau khi những hộ đầu tiên thực hiện hiệu quả, đến nay toàn xã đã có 45 ha khoai mỡ giống thục linh (khoai trắng) và khoai muốn (tím), tất cả diện tích trồng khoai mỡ đều cho năng suất và lợi nhuận ổn định, trong đó diện tích mô hình khoảng 30 ha.
Ông Ngô Viết Sơn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Long Mỹ, cho biết trước kia nông dân trồng tự phát, chủ yếu sử dụng phân hóa học, ít hoặc không sử dụng phân hữu cơ nên đất dễ bị dẻ chặt, không thông thoáng khiến củ khoai không lớn mà chi phí cao. Khi xây dựng mô hình, cán bộ khuyến nông khuyến cáo nông dân làm đất kỹ, phơi khô, chọn giống tốt và đặc biệt dùng phân hữu cơ giúp củ lớn hơn, năng suất cao, chi phí lại thấp để tăng lợi nhuận. Ngoài ra, UBND xã cũng tìm đầu ra cho nông dân để tránh bị tư thương ép giá.
“Hiện đang có 2 công ty đến mua khoai của nông dân nhưng chưa ổn định. Trước đây do mua với giá cố định theo thỏa thuận trước trong khi đến vụ khoai có giá nông dân không chịu bán giá cũ nên nhiều lần bể giao kèo. Theo tôi, thời gian tới doanh nghiệp cần hợp đồng với nông dân theo số lượng báo trước để bà con chủ động diện tích trồng và mua theo giá thỏa thuận hợp đồng “giá sống” tức theo giá thị trường để hai bên không chịu thiệt cùng hợp tác lâu dài”, ông Sơn chia sẻ.
Thanh Đức (Báo Thanh Niên)