Hiện tượng thiếu các nguyên tố dinh dưỡng thường được biểu hiện bằng những dấu hiệu màu sắc đặc trưng trên lá hoặc lá bị biến dạng:
– Thiếu đạm (N): lá vàng nhạt, cây cằn cỗi, cây phát triển chậm, rễ bị ngắn lại, lá vàng nhợt nhạt, héo khô, chóp lá biến vàng rồi lan dần vào trong theo gân lá. Thân cây nhỏ, chồi cành ít, trái chín sớm, phẩm chất giảm.
– Thiếu lân (P): lá lúc đầu xanh sau đó chuyển sang vàng, từ các lá phía dưới, và từ mép lá vào, lá nhỏ hẹp và sau đó chuyển sang màu huyết dụ (màu tím), cây phát triển chậm, bộ rễ kém phát triển, lá nhỏ hay bị rách và héo, trổ hoa trễ, quả chín muộn. Hiện tượng thiếu lân thường xảy ra trên đất chua, đất bạc màu.
Ví dụ:
+ Cây ngô thiếu lân có màu huyết dụ.
+ Cây họ hoà thảo thiếu lân lá màu xanh tối, chót lá có màu đỏ khô chết, cây để nhánh kém, trổ bông chậm, cây chín sớm, hạt lép lửng nhiều, màu sắc xấu, phẩm chất kém.
– Thiếu Kali (K): lá ngả màu xanh xám, đọt lá cháy khô, rìa lá gợn sóng, có nhiều đốm nâu trên phiến lá, phiến lá cuốn lại hoặc bị cong, mô bị chết, rìa mép lá hoá nâu đỏ, mô chết dần dần làm lá khô đỏ lụi.
Triệu chứng thể hiện ở lá già, rễ cây bị cằn cỗi kém phát triển. Các lóng của cành ngắn lại làm giảm sự tăng trưởng của cây trồng và năng suất cây trồng giảm, ảnh hưởng đến sức chống chịu của cây.
Tình trạng thiếu K thường xảy ra trên đất cát, đất đá vôi. Đất sét thường ít khi thiếu K. Đất bón nhiều vôi và Mg sẽ làm cây trồng mất cân đối về K.