KĨ THUẬT BÓN PHÂN CHO CÂY MAI MỘT CÁCH ĐẦY ĐỦ NHẤT

“Kỹ thuật bón phân cho mai” – Bất cứ giống cây gì cũng vậy, khi trồng mà muốn cây tươi tốt thì phải chăm sóc tốt, trong đó có việc vun phân tưới nước cẩn thận.

Nước thì phải tưới hàng ngày, hay cách nhật cũng được, nhưng phân thì phải bón theo định kỳ: đúng chất và đúng liều lượng mới tốt. Bón phân cho cây mà dư thừa, đã không lợi ích gì cho cây mà còn là sự uổng phí vô lối. Còn bón phân không đúng chất mà cây đang cần để phát triển thì ngoài việc phí phạm, có khi còn hại cho cây. Đó là những điều chúng ta đều biết.

Trồng mai không cần đến số lượng phân bón nhiều như trồng các giống cây ăn trái cũng như các cây công nghiệp khác, do cây mai tự nó khả năng sống mạnh được trong điều kiện tự nhiên do đó nhiều người mới cho đó là giống cây dễ trồng. Mặt khác, trồng mai không nhằm vào việc khai thác trái như các giống cây ăn trái: xoài, chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt… mong đạt được năng suất cao trong mùa chính, mùa phụ. Cũng không như trồng cây công nghiệp cao su để được thu hoạch mủ hàng ngày. Đó là những giống cây cho nhiều lợi lộc, mà thiếu phân thì năng suất sẽ sút giảm. Trồng mai thì khác, đơn thuần ngoài việc làm cây kiểng, thì chỉ có… “thu hoạch” mùa hoa trong dịp Tết mà thôi. Vì vậy, việc bón thúc cho cây mai mỗi năm một đôi lần cũng được, lại với số lượng phân bón cũng không cần nhiều.

Kỹ thuật bón phân cho cây maiKỹ thuật bón phân cho cây mai

Cây mai tỏ ra “chịu” nhất phân chuồng hoai và phân rác mục, gọi là phân hữu cơ.

Phân chuồng gồm có phân trâu bò, phân heo ngựa, phân gà vịt chất đống ủ hoai trong ba tháng mới đem bón cho cây. Còn phân rác mục gồm có rơm rạ phế thải, xác mía, cỏ khô, đất vụn, tro bếp, phân hóa học, phân gia súc gia cầm… cũng chất đống lại trong nhiều tháng (có tưới nước hàng ngày) để mọi thứ mục nát ra thành mùn đem bón phân rất tốt.

Ngoài phân hữu cơ vừa kể trên, loại phân vô cơ NPK cũng thích hợp với cây mai. Dùng NPK pha loãng vào nước với liều lượng mà ngoài bao phân đã chỉ dẫn hoặc cứ một muỗng canh pha chung với 10 lít nước đem tưới vào gốc mai để kích thích sự tăng trưởng của cây, kích thích cây ra hoa và thúc hoa nở đúng thời hạn. Nên ngâm phân NPK vào nước 24 giờ mới đem dùng.

Với mai kiểng, nên dùng phân bánh dầu ngâm tưới vào gốc vài tháng một lần để giúp cây sinh trưởng tốt.

Bón phân cho mai trồng ngoài vườn:

Nhiều người trồng mai ra vườn trong hố trồng không cần bón phân, cứ mặc cho cây tìm chất dinh dưỡng có sẵn trong đất để sống. Và trong năm, vào đầu mùa mưa, hoặc cuối mùa mưa họ mới bón thúc cho cây một lần với lượng phân vừa phải để thúc cây ra hoa.

Đúng ra, nên bón lót vào mỗi hố trồng một vài ký phân hữu cơ để giúp cây có sức mà tăng trưởng mạnh. Sau đó, mỗi năm nên bón thúc cho cây 2 đợt: đợt đầu vào mùa mưa và đợt sau vào tháng trước kỳ mai ra hoa.

Bón phân cho mai kiểng trồng chậu:

Cây mai có bộ rễ khá… nặng nề mà chậu kiểng để trồng mai lại thường có dung tích hẹp nên lượng đất đổ vô chậu để trồng mai không được bao nhiêu. Vì vậy, việc cần phải tính đến là nên trộn nhiều phân vào đất thì mai trồng trong chậu kiểng mới sinh trưởng tốt được. Thường nhà vườn dùng hỗn hợp:

  • 80% đất thịt tơi nhuyễn và 20% phân hữu cơ. Hoặc:

  • 70% đất thịt tơi nhuyễn và 30% phân hữu cơ trộn với tro trấu.

Lượng phân và đất này nên trộn trước vài ba ngày sau đó mới cho vào chậu trồng.

Thế nhưng, lượng phân quá ít đó không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho cây được lâu, vì vậy tốt nhất mỗi năm ta nên bón thúc cho cây 2 đợt vào đầu mùa mưa và đầu mùa nắng với 1kg hỗn hợp phân trộn đất như trên, nhất là khi thấy cây có dấu hiệu sinh trưởng chậm.

Cách bón là dùng chiếc bay nhỏ hay một cái dao cùn cũng được, xới nhẹ lóp đất mặt trên chậu rồi gạt hết ra ngoài. Việc làm này cần phải khéo léo và nhẹ tay, tránh phạm vào các rể con càng nhiều càng tốt. Sau đó, cho đất mới vào khỏa lấp trên mặt chậu.

Ngoài ra, cứ vài ba tháng một lần, ta tưới phân bánh dầu vào gốc giúp cây có thêm dinh dưỡng để sống tốt.

Quý vị trồng mai trong chậu chắc cũng nghiệm thấy chuyện này: nếu vài ba tháng không xới tơi lóp đất mặt trên cùng của chậu, thì đất kết cứng lại đến nỗi tưới nước cũng lâu rút xuống đáy chậu, như vậy đất trồng sẽ không thoáng khí, có hại cho cây. Nếu thời gian vài ba năm không thay đất mới cho cây thì đất trong chậu sẽ kết vón lại thành khối bám chặt cứng vào từng cái rễ nhỏ, thử hỏi như vậy cây trồng làm sao phát triển tốt được?

Để tránh tình trạng này, cứ vài năm một lần, vào đầu mùa mưa, ta nên moi lớp đất bám sát bên trong thành chậu rồi đem cây ra ngoài, gổ bỏ hết những phần đất nào có thể được. Còn đất cũ trong chậu đổ ra ngoài, thay vào đó lớp đất mới theo cách pha trộn như trên… Trồng theo cách này thì dù trồng trong chậu liên tiếp vài mươi năm cây mai đó vẫn tươi tốt.

Cách thay đất cũ trong chậu bằng đất mới này ta có thể áp dụng chung cho các chậu mai kiểng cổ, mai ghép và cả mai bonsai.

Riêng loại mai bonsai vốn được trồng trong những chậu vừa nhỏ vừa nông, chứa không được bao nhiêu đất, nên tốt nhất là mỗi năm nên vô phân theo cách thay hết đất mới một lần.

Xin được lưu ý là sau khi thay đất mới xong, ta tưới nước sơ qua rồi đem chậu vào chỗ mát đôi ba ngày, nếu không phải tìm cách che chắn cho cây tránh được ánh nắng trực xạ trong vài ngày đầu, giúp bộ rễ đủ thời gian hồi sức…